Tương quan lực lượng Chiến_dịch_Bão_Mùa_đông

Binh lực và kế hoạch tấn công của quân đội Đức Quốc xã

Thống chế Erich von Manstein, Tư lệnh của Cụm Tập đoàn quân Sông Đông vào thời điểm diễn ra chiến dịch Bão Mùa đông

Binh lực

Cụm tập đoàn quân Sông Đông do thống chế Erich von Manstein chỉ huy, trong biên chế có:

  • Cụm quân Stalingrad do thống chế Paulus chỉ huy đang bị bao vây gồm những đơn vị còn lại của:
    • Các sư đoàn xe tăng 14, 16 và 24
    • Các sư đoàn cơ giới 3, 29 và 60
    • Các sư đoàn bộ binh Đức 44, 71, 76, 79, 94, 100, 113, 295, 297, 305, 371, 384, 389.
    • Sư đoàn bộ binh Romania 86.
    • Sở chỉ huy cánh quân đóng tại chính giữa trận địa, trong làng Gumrak.
  • Cụm quân Hoth là cánh quân giải vây ở phía Nam sông Aksay, gồm có:
    • Quân đoàn xe tăng 57 gồm các sư đoàn xe tăng 6 và 23
    • Quân đoàn 8 thuộc Tập đoàn quân 4 Romania
    • Quân đoàn 6 thuộc Tập đoàn quân 4 Romania
  • Cụm tác chiến Hollidt là cánh quân giải vây ở phía Bắc sông Aksay, gồm có:
    • Quân đoàn xe tăng 48
    • Sư đoàn xe tăng 17
    • Tập đoàn quân 8 Italia.
    • Các đơn vị còn lại của Tập đoàn quân 3 Romania.
  • Tập đoàn quân không quân 4.
  • Sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân Sông Đông đóng tại Rostov-na-Donu, hai sở chỉ huy tiền phương đóng tại Kotennikovo và Nizhni Chirskaya.

Kế hoạch tấn công

Bản đồ kế hoạch chiến dịch Bão mùa Đông của Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) nhằm giải vây cho cụm quân của thống chế Paulus tại Stalingrad, tháng 12 năm 1942

Các cuộc phản công của Cụm tập đoàn quân Sông Đông tại hướng Nam dự kiến gồm chủ lực Quân đoàn xe tăng 57 dưới quyền chỉ huy của tướng Friedrich Kirchner mới được đưa vào biên chế của tập đoàn quân xe tăng 4; trong biên chế có các sư đoàn xe tăng 6 và 23. Bên cánh phải của quân đoàn xe tăng 17 này là quân đoàn 8 bộ binh Romania của tướng Popesku, bên cánh phải là quân đoàn bộ binh 6 Romania. Dựa trên lực lượng này, tướng Hermann Hoth tổ chức hai cánh quân xung kích với nòng cốt là hai sư đoàn xe tăng 6 và 23 tại Kotenikovo và Tormosin. Cánh quân này có nhiệm vụ tấn công từ Kotenikovo và Tormosin đến Eksaulovsky Aksay và Verkhnekumskiy, đánh bại Tập đoàn quân 51 của Liên Xô ở khoảng giữa hai con sông Eksaulovsky Aksay và Myskova; sau đó vượt sông Myskova để hội quân với cánh Nam của Tập đoàn quân 6 từ Stalingrad đánh ra và cánh Nam của Cụm tác chiến Hollidt từ Verkhnechirskaya đánh xuống.[7][12]

Tại cánh Bắc, bản kế hoạch "Bão mùa Đông" dự kiến chỉ tổ chức một cánh quân xung kích với nòng cốt là các sư đoàn xe tăng 11 và 22 thuộc quân đoàn xe tăng 48, được hai sư đoàn còn lại của tập đoàn quân 3 Romania yểm hộ hai bên sườn. Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Sông Đông dự định vượt sông Chir và chiếm cây cầu bắc qua sông Tsaritsa tại Verkhnechirskaya, sau đó chia làm hai hướng, cánh trái phát triển đến Kalach đón gặp cánh Bắc của tập đoàn quân 6 đánh ra dọc theo sông Karpovka, cánh phải tiến xuống phía Nam hội quân với Cụm quân Hoth.[7][12]

Do thiếu hụt quân số, Cụm tập đoàn quân Sông Đông đã phải huy động đến binh sĩ thuộc các đơn vị phục vụ mặt đất của không quân, nhân viên trong các cơ quan tham mưu, các cơ quan hậu cần, trợ chiến. Đội ngũ này yếu về kinh nghiệm và kỹ năng chiến đấu, không được trang bị đủ xe tăng, pháo binh và các phương tiện chống tăng.[13] Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức hứa sẽ tăng viện nhưng hệ thống vận tải yếu lém đã làm cho việc này không thực hiện được. Một vài chỉ huy đơn vị tuyến sau đã từ chối đưa những lực lượng tinh nhuệ của mình đi tăng viện.[14] Một số đơn vị của Cụm tập đoàn quân Sông Đông vẫn đang ở trong tình trạng không thể tiến hành các hoạt động tấn công do những tổn thất quá lớn trong những tháng chiến đấu vừa qua; trong khi những lực lượng tăng viện mới mà Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức hứa sẽ tăng viện đã không đến đúng thời gian quy định, trong đó, có ba sư đoàn không hề có mặt.[15]

Trên tuyến đầu, thống chế Manstein chỉ có sư đoàn xe tăng 6 mới được đưa từ Pháp sang còn sung sức và sư đoàn xe tăng 11 là hầu như còn nguyên vẹn khi mới được điều động từ lực lượng dự bị.[16] Ngay trong các trận đánh phòng ngự trên hữu ngạn sông Chir, sư đoàn xe tăng 11 đã bị thiệt hại trong các trận đánh với hai lữ đoàn cơ giới thuộc Tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô) và gần bị buộc chặt vào trận tuyến phòng thủ của Cụm tác chiến Hollidt.[17]. Nhưng vì không còn lực lượng đột kích nào khác nên Erich von Manstein vẫn quyết định sử dụng quân đoàn xe tăng 48 và chủ lực Tập đoàn quân xe tăng 4 vào hai mũi đột kích chủ yếu.[18]. Bất chấp những nỗ lực xây dựng cánh quân xung kích phía Bắc của quân Đức, tuyến phòng thủ của họ tại hạ lưu sông Chir ngày càng trở nên mỏng manh.[19] Những nỗ lực ngăn chặn các cuộc đột kích của Tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô) mặc dù đã đánh thiệt hại nặng hai lữ đoàn của tập đoàn quân này để giữ được căn cứ không quân Tasinskaya (căn cứ chủ yếu đảm nhận việc tiếp tế cho cho tập đoàn quân 6) nhưng cũng làm cho quân đoàn xe tăng 48 bị lôi cuốn vào các trận đánh phòng thủ trên bờ sông Chir trong khi chiến dịch đang diễn ra.[20] Ngày 8 tháng 12, tướng Karl-Adolf Hollidt, tư lệnh Cụm tác chiến Hollidt báo cáo với Erich von Manstein:

"Tại thời điểm này, Quân đoàn xe tăng 48 không đủ binh lực để đồng thời vừa chống đột phá và vừa phản công theo kế hoạch dự định vào ngày 12 tháng 12".[21]

Quân đoàn xe tăng 57 được Cụm tập quân A mà trực tiếp là Tập đoàn quân 11 (Đức) chuyển giao cho Cụm tập đoàn quân Sông Đông một cách miễn cưỡng cùng với Sư đoàn xe tăng 17 cho nên các đơn vị này mãi 10 ngày sau mới tập trung tại địa điểm quy định ở phía Nam sông Eksaulovsky Aksay.[22] Những rắc rối của việc điều động và tập trung lực lượng cộng với việc phát hiện thấy quân đội Liên Xô đã tập trung nhiều đơn vị cơ giới trên tả ngạn sông Chir đã khiến thống chế Erich von Manstein đã quyết định khởi động Chiến dịch Bão Mùa đông với Tập đoàn quân xe tăng 4 tấn công ở mũi chủ yếu. Manstein cũng hy vọng Tập đoàn quân 6 sẽ khởi động một cuộc đột kích của riêng mình từ phía đối diện ngay khi nhận được hiệu mã hiệu "Sấm nổ" (Donnerschlag).[23] Manstein và Cụm tập đoàn quân Sông Đông là canh bạc mà Hitler chấp nhận như một giải pháp duy nhất đúng để tránh sự sụp đổ của Tập đoàn quân 6 và cho phép nó có thể thoát ra khỏi "cái túi" ở Stalingrad.[24] Ngày 10 tháng 12, Manstein truyền đạt qua điện đài đến Paulus rằng các hoạt động tấn công mở vây sẽ bắt đầu trong 24 giờ tới.[25]

Binh lực và kế hoạch phòng ngự-phản công của quân đội Liên Xô

Binh lực

Sau khi đột phá hợp điểm thành công trong Chiến dịch Sao Thiên Vương, Quân đội Liên Xô phòng ngự trên tuyến bao vây vòng ngoài tại khu vực Stalingrad gồm các đơn vị tuyến trước của Phương diện quân Tây Nam và Phương diện quân Stalingrad. Trước khi được tăng viện để chống lại Chiến dịch Bão Mùa đông, trên phòng tuyến từ Tây Bắc xuống Đông Nam, có 12 sư đoàn được triển khai phòng ngự, thuộc các đơn vị:

  • Cánh trái của Phương diện quân Tây Nam:
    • Tập đoàn quân xung kích 5 của trung tướng Markian Popov gồm các sư đoàn bộ binh 87, 258, 300, 315.
  • Cánh phải của Phương diện quân Stalingrad:
    • Tập đoàn quân 51 (3 sư đoàn bộ binh).
  • Trong quá trình chiến dịch, Phương diện quân Stalingrad được tăng viện Tập đoàn quân cận vệ 2 của trung tướng R. Ya. Malinovsky (5 sư đoàn bộ binh).

Kế hoạch phòng ngự-phản công

Sau khi hoàn thành chiến dịch Sao Thiên Vương, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô dự kiến tiến hành song song hai chiến dịch tại khu vực Stalingrad. Trên phòng tuyến bên ngoài, tiến hành Chiến dịch Sao Thổ được phê duyệt ngày 2 tháng 12 với ý đồ giáng một đòn tấn công chia cắt mạnh từ tuyến Svoboda - Balago Vetsenskaya qua Minlerovo - Kamensk Sakhtinsky đến Rostov-na-Donu nhằm cô lập và tiêu diệt Cụm tập đoàn quân A của quân đội Đức Quốc xã đang hoạt động tại Bắc Kavkaz và thảo nguyên Kuban.[26] Đến ngày 12 tháng 12, đã có 5 sư đoàn bộ binh; các quân đoàn xe tăng 18, 24, 25; các quân đoàn cơ giới cận vệ 1, 6; 16 trung đoàn pháo binh và một trung đoàn xe tăng độc lập được bổ sung cho Phương diện quân Tây Nam. Phương diện quân Voronezh nhận được bổ sung 3 sư đoàn và một lữ đoàn bộ binh, quân đoàn xe tăng 17, 7 trung đoàn pháo và súng cối.[27] Trên tuyến bao vây bên trong, dự kiến sử dụng Phương diện quân Sông Đông được tăng viện Tập đoàn quân cận vệ 2 thực hiện Chiến dịch Cái Vòng dồn ép và tiêu diệt tập đoàn quân 6 và các đơn vị Đức, Romania khác đang bị bao vây. Cuối tháng 11 năm 1942, Phương diện quân Stalingrad đã bố trí lại lực lượng, điều động từ vòng vây phía trong ra vòng vây phía ngoài 3 sư đoàn bộ binh thuộc các tập đoàn quân 21 và 65 và các sư đoàn còn lại của tập đoàn quân 51 ra tuyến sông Eksaulovsky Aksay.[28] Đến ngày 12 tháng 12, tại phòng tuyến bên ngoài, Phương diện quân Stalingrad chỉ có hai tập đoàn quân: Tập đoàn quân 51 gồm 34.000 người và 77 xe tăng được bố trí tại rìa phía Nam của vòng vây ngoài; ở phía Nam của nó là Tập đoàn quân số 28 vối 44.000 quân, 40 xe tăng, 707 pháo và súng cối.[29]

Tuy nhiên, việc Cụm tập đoàn quân Sông Đông khởi sự sớm Chiến dịch Bão Mùa đông mà không đợi tập trung đủ quân[7] đã làm cho Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phải thay đổi kế hoạch đã định.[11] Tối 12 tháng 12, sau khi nhận được báo cáo từ các tư lệnh chiến trường về cuộc phản công của các sư đoàn xe tăng 6 và 23 (Đức) vào các sư đoàn bộ binh 126 và 302 của tập đoàn quân 51, Đại bản doanh Liên Xô đã quyết định tạm hoãn Chiến dịch Cái Vòng, yêu cầu tướng K. K. Rokossovsky, tư lệnh Phương diện quân Sông Đông chuyển giao Tập đoàn quân cận vệ 2 cho Phương diện quân Stalingrad để tăng thêm chiều sâu phòng thủ trên hướng đối diện với khu vực Kotennikovo - Tormosin. Tập đoàn quân này đến được bao nhiêu phải di chuyển ngay lập tức về bờ bắc sông Myskova bấy nhiêu. Kế hoạch Chiến dịch Sao Thổ cũng phải được nghiên cứu lại và điều chỉnh trong tình thế quân Đức đã chuyển sang phản công.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Bão_Mùa_đông http://books.google.com.au/books?id=6NLC9Rl-olAC&p... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av8/index.html http://militera.lib.ru/h/samsonov1/08.html http://militera.lib.ru/h/samsonov1/index.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/07.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/index.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/12.htm... http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/index.... http://velikvoy.ru/karta/front_armiya_oper/kotelni...